Uncategorized

Chức vụ và Đai đẳng

Vs. Trần Nguyên Đạo – 2017


Trước ngưỡng cửa thế kỷ thứ 21, tuyệt đại đa số ai cũng biết một cách rành mạch sự khác biệt giữa các cấp bậc trong quân đội so với các chức vụ trong chính phủ của một quốc gia.


Nhưng tiếc thay trong giới võ thuật người ta thường hay lầm lẫn giữa chức vụ và đai đẳng một cách đáng tiếc !


Trong quân đội, các cấp bậc như : Binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp úy hoặc cấp tá, thường được các cấp trên của mình đề cử hoặc cấp phát tùy theo công trạng và hệ thống tổ chức của mỗi quốc gia. Nhưng khi bước đến cấp bậc tướng lãnh thì lại do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Thủ tướng hoặc nguyên thủ quốc gia đề bạt và cấp phát. Như vậy có nghĩa, các chức vụ lãnh đạo bao giờ cũng đứng trên các cấp bậc trong quân đội. Bởi những người lãnh đạo là những nhân vật được dân bầu lên.


Sự khác biệt trên đối với mọi người là một qui luật đương nhiên, bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sinh hoạt theo một trật tự như thế. Ngoại trừ các quốc gia dưới chế độ quân phiệt hoặc độc tài chuyên chế. Ngoài ra những người có chức vụ lãnh đạo trong chính phủ thường có cấp bậc không cao lắm trong quân đội hoặc nhiều người chưa bao giờ bước vào quân ngũ ! Thí dụ như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton (1) hoặc Tổng thống Cộng Hoà Pháp Emmanuel Macron(2) hoặc bà Thủ tướng Cộng Hoà Liên Bang Đức Angela Merkel(3)… thế nhưng tất cả các tướng lãnh có cấp bậc cao nhất trong quân đội như : Đại tướng, Thống chế, Tổng tư lệnh, Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh các Quân đoàn, Sư đoàn… đều do những người lãnh đạo bổ nhiệm và lúc nào các vị tướng lãnh cũng nghiêm chỉnh tuân hành mệnh lệnh những người lãnh đạo của quốc gia mình.


Sự kiện này rất dễ hiểu, bởi quân đội chỉ là một bộ phận của quốc gia và có nhiệm vụ “đánh giặc” hoặc bảo vệ đất nước khi có chiến tranh. Còn các chức vụ trong Chính phủ có nhiệm vụ lãnh đạo toàn thể đất nước qua các lĩnh vực : Kinh tế, Văn hoá, Quốc phòng, Giáo dục, Thể thao, An ninh…


Ngoài ra có một sự khác biệt rất lớn giữa 2 lĩnh vực trên, đó là các cấp bậc trong quân đội đều do công lao mà lên và có tính cách “suốt đời”, tức có nghĩa họ mang cấp bậc đã có cho đến khi nào về hưu thì mới chấm dứt, còn các chức vụ lãnh đạo thì rất giới hạn và theo một nhiệm kỳ nhất định, tùy thuộc vào sự tín nhiệm của người dân trong các cuộc bầu cử.


Trong lĩnh vực võ thuật cũng thế. Nếu là một đại phái, đã được tổ chức thành cấp liên đoàn quốc gia hoặc qui mô hơn là cấp liên đoàn thế giới, như tổ chức của Vovinam-Việt Võ Đạo hiện nay, thì cũng không khác nhau bao nhiêu. Tuy rằng lĩnh vực Võ thuật rất khiêm nhường so với lĩnh vực quốc gia.


Đặc biệt về lĩnh vực Võ thuật, tất cả các phái võ đều tiến triển theo một qui trình từ nhỏ đến lớn như sau : Lò võ, Trường phái, Môn phái và cuối cùng là Đại phái. Đại phái được định nghĩa là một tập thể được tổ chức qui mô như một liên đoàn quốc gia hoặc lớn hơn nữa là liên đoàn quốc tế. Trong 3 giai đoạn đầu của qui trình trên (Từ Lò võ đến Môn phái), thường người ta phải mất một thời gian rất dài và có nhiều phái võ sau hơn 30, 50 hoặc 100 năm vẫn chưa đạt được đến mức Đại phái. Đó là trường hợp của đại đa số các phái võ hiện nay tại VN và cũng chính vì thế họ phải liên kết với nhau để tiến đến việc thành lập một Liên đoàn Quốc gia như trường hợp Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN với hàng trăm Lò võ, Trường phái và Môn phái. Đặc biệt Vovinam-Việt Võ Đạo đã bước lên mức Đại phái từ năm 1964 qua việc cố Võ sư Chưởng môn Trần Huy Phong (1938-1997) và các Võ sư đương thời đứng ra pháp lý hoá Vovinam-Việt Võ Đạo, thành lập Ban chấp hành Trung ương và hệ thống hoá hành chính như một liên đoàn quốc gia.


Ngoài ra tuy các phái võ khác nhau về nhiều phương diện, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là : Trong 3 giai đoạn đầu, các phái võ đều đặt dưới quyền chỉ huy của vị sáng lập và sau đó là những môn đệ có đai đẳng cao và có năng khiếu võ thuật cao. Lý do bởi trong 3 giai đoạn đầu đó, 90% các hoạt động đều tập trung vào những sinh hoạt có tính cách chuyên môn như : Dạy võ, đào tạo, thi cử, biểu diễn, mở võ đường… còn các sinh hoạt cần đến sự lãnh đạo và chỉ huy như một Liên đoàn thì chưa được đặt ra bởi sĩ số Môn sinh còn khiêm nhường nên chưa có nhu cầu.


Và cũng có lẽ vì thời gian kéo dài quá lâu trong 3 giai đoạn đầu đó ! Cùng với cung cách hoạt động dưới sự lãnh đạo của các vị thầy có đai đẳng, nên đối với mọi người nó trở thành một logic : “Đai đẳng” được đồng hóa với vai trò “lãnh đạo”, khiến người ta mất hẳn mọi ý thức trước sự thay đổi khi Môn phái trở thành Đại phái như trường hợp Vovinam-Việt Võ Đạo hoặc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN.


Một khi người ta nhảy lên địa vị Đại phái, tức đồng nghĩa với hàng ngàn Môn sinh, hàng trăm Võ đường, Câu lạc bộ, Trung tâm, Cục huấn luyện… khắp nơi trên toàn quốc (Hoặc thế giới), có tư cách pháp nhân và được tổ chức thành một hội đoàn quốc gia (Hoặc quốc tế), thì Đại phái phải cọ sát với những vấn đề như : Chính trị (Theo nghĩa rộng), ngoại giao, tài chánh, luật pháp, qui lệ, nội qui, điều hành, lãnh đạo, chỉ huy, bầu cử, ứng cử, đại hội, thưởng phạt, khai trừ, kỷ luật… và các chương trình như : Võ thuật, Võ đạo, đào tạo, giáo trình, hệ thống đai đẳng, chấm thi, thi cử, tranh giải, điều luật, trọng tài, giám khảo… những vấn đề trên, tự nó, nhảy ra khỏi các lĩnh vực chuyên môn của những vị Võ sư có đai đẳng cao và bước vào một lĩnh vực phức tạp như một quốc gia thu nhỏ. Chính vì thế các Đại phái phải có thêm một tầng lớp mới, phải có các Võ sư, các Huấn luyện viên hoặc các Môn sinh có khả năng lãnh đạo đứng ra đảm trách những chức vụ như trong chính phủ của một quốc gia.


Nếu chúng ta nhìn vào hệ thống đai đẳng Vovinam-Việt Võ Đạo thì cũng tương tự như các cấp bậc trong Quân đội. Các đai đẳng như Sơ cấp (Lam đai), Trung cấp (Hoàng/Huyền đai) và Cao cấp (Hồng đai), thường do thi cử mà lên. Nhưng khi bước đến các đai đẳng như : Hồng đai cao cấp, Bạch đai thượng đẳng, Chủ tịch Hội đồng võ sư, Chủ tịch Ủy ban khảo thí, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật… hoặc Tổng thư ký, Thủ quĩ, các Ủy Ban, các đại diện tại các quốc gia, các cuộc tranh giải quốc tế, các nhân sự trong bộ máy hành chánh… thì lại được đề xuất bởi những người có tránh nhiệm lãnh đạo, vốn là những người đắc cử, như hệ thống tổ chức của Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới hiện nay.


Hai lĩnh vực trên (Chức vụ và đai đẳng) cũng tương tự như Quân đội và Chính phủ, những người đắc cử thì có trách nhiệm “lãnh đạo”, họ có đặc tính : Đa năng, đa dạng và vĩ mô, còn các Võ sư thì có nhiệm vụ “đào tạo”, có đặc tính thu hẹp và chuyên môn. Riêng những người lãnh đạo có thể có một đai đẳng khiêm nhường nhưng họ lại là những người có quyền quyết định tấn thăng các đai đẳng cho các vị Võ sư cao đẳng hoặc các chức vụ về phương diện chuyên môn.


Riêng Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, sau ngày Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời (1960), Môn phái ta đã được Cố Võ sư Trần Huy Phong (1938-1997) tổ chức thành một Đại phái qua việc thành lập “Hội Vovinam” trên lĩnh vực quốc gia vào năm 1964(4) cùng với Qui lệ và Nội qui sinh hoạt tương tự như một liên đoàn quốc gia. Và chính nhờ thế Võ sư Lê Sáng đã được Ban chấp hành Trung Ương (Tương đương như Hội đồng Võ sư ngày nay), bầu cử vào chức vụ Chưởng môn(5).


Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, Miền nam Việt Nam.
Theo Qui lệ Môn phái 1964, các điều, khoản liên quan đến chức vụ Chưởng môn gồm: Điều 29 : Ứng cử, Điều 30 : Bầu cử, Điều 31 : Lễ tấn phong, Điều 72 : Truất quyền Chưởng môn.


Giai đoạn lịch sử này hầu hết các võ sư Niên trưởng hoặc các môn đệ của Võ sư sáng tổ như : Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Dần, Phan Dương Bình, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Thư, Mạnh Hoàng, Lê Trọng Hiệp, Phạm Hữu Độ, Bùi Trọng Thịnh, Trần Bản Quế, Ngô Hữu Liễn, Nguyễn Văn Cường, Phan Quỳnh, Lê Văn Phúc… cũng như gia đình Võ sư Sáng tổ: Bà Nguyễn Lộc, em trai là Võ sư Nguyễn Dần hoặc con trai là Vs Nguyễn Chính… ai cũng biết. Bởi các Võ sư Niên trưởng, họ là những người đã đứng ra thành lập “Liên đoàn quốc gia” của Môn phái năm 1964 và cũng chính họ đã bỏ phiếu bầu cử chức vụ Chưởng môn cho Võ sư Lê Sáng.


Chính vì thế những ai trong Môn phái nghĩ rằng chức vụ Chưởng môn là do Võ sư Nguyễn Lộc trao lại là một sai lầm lớn. Bởi lịch sử Môn phái cho chúng ta biết rằng vào thời Võ sư Nguyễn Lộc sinh tiền, từ ngày thành lập Môn phái năm 1938 đến ngày thầy qua đời năm 1960, trong Môn phái không có chức vụ Chưởng môn. (Một bài khác tôi sẽ phát biểu về lịch sử chức vụ Chưởng môn trong Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo).
Ngoài ra từ năm 1960 đến 1964, các Võ sư Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Thông, Ngô Lữu Liễn… chỉ có trình độ “cao đẳng”, bởi trong thời điểm đó chưa có đai đẳng Bạch đai Chưởng môn hoặc Hồng đai như ngày nay. Mà phải đợi đến cuối năm 1964, Ban chấp hành Trung ương Vovinam-VVĐ mới sáng chế và hệ thống hoá các đai đẳng : Lam đai, Hoàng đai và Hồng đai và sau đó đặt để và sắp xếp các đai đẳng tương đương cho Võ sư Chưởng Môn và các Võ sư đầu tiên của Vovinam-Việt Võ Đạo như sau :


Tên                                                         Đẳng Cấp
Vs Lê Sáng                                             Thượng Đẳng
Vs Trần Huy Phong                              Hồng đai nhị cấp
Vs Nguyễn Văn Thư                             Hồng đai nhất cấp
Võ sư : Mạnh Hoàng,                           Chuẩn hồng đai
Ngô Hữu Liễn,
Nguyễn Văn Thông,
Trần Bản Quế,
Phan Quỳnh,
Nguyễn Văn Cường,
Trần Thế Phượng…
Huấn luyện viên :                                 Hoàng đai nhị cấp
Trịnh Ngọc Minh,
Cao Văn Cát…
Quỳnh Kỳ,                                              Hoàng đai nhất cấp
Đào Văn Năng,
Trần Huy Quyền,
Nguyễn Văn Thái (Thái đen),
Nguyễn Xuân Ngọc,
Đặng Đình Phúc

Môn sinh :
Lê Công Danh,                                     Lam đai cao cấp (Tương đương Lam đai III cấp)
Trần Văn Bé,
Nguyễn Văn Thông (Thông trẻ),
Trần Văn Trung,
Nguyễn Văn Hoàn,
Dương Hoành San,
Trần Miến,
Nguyễn Văn Sinh,
Nguyễn Văn Thắng,
Dương Hoàng Kỳ.


Điều này chứng minh rằng, chức vụ luôn luôn đứng trên đai đẳng, bởi từ ngày trở thành Đại phái, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định tấn phong đai đẳng từ Võ sư Chưởng môn cho đến các Môn sinh Lam đai mới được đào tạo vào thời điểm 1964.


Ngày nay và hơn 23 năm qua (1996-2019), hệ thống tổ chức của Vovinam-Việt Võ Đạo đã được qui mô hoá thành Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới qua đại hội thế giới lần thứ 2 được tổ chức tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp năm 1996. Tổ chức quốc tế này đã được thành lập theo các qui luật quốc tế và có tư cách pháp nhân chính thức. Một tập thể được tổ chức theo lối “tập thể lãnh đạo” cùng với những qui luật bầu cử và ứng cử theo nguyên tắc dân chủ tự do và Olympic.


Chính vì thế các đai đẳng của Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới (Tương đương như Chưởng môn của một Môn phái), Bạch đai thượng đẳng, Hồng đai cao cấp… đều do các thành viên lãnh đạo (7 Vs đắc cử theo nhiệm kỳ) của Hội đồng Võ sư Thế giới đề bạt hoặc bổ nhiệm. Tóm lại hệ thống sinh hoạt của Vovinam-Việt Võ Đạo cũng tương tự như lĩnh vực quốc gia, các chức vụ lãnh đạo bao giờ cũng đứng trên đai đẳng. Ngoài ra chúng ta phải biết rằng : Các Võ sư hoặc các Huấn luyện viên là những người có trách nhiệm “đào tạo” và đai đẳng của họ có tính cách “suốt đời” còn những người có chức vụ lãnh đạo (Có thể là Môn sinh hoặc Võ sư) là những người có trách nhiệm lãnh đạo theo một nhiệm kỳ nhất định. Chính vì thế sự khác biệt giữa chức vụ và đai đẳng là ở chỗ đó !


Thí dụ cụ thể : Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, 2004/2008, 2008/2012 và 2012/2016. Tôi được Đại hội Võ sư Vovinam-VVĐ Thế giới tín nhiệm bầu cử vào chức vụ Tổng thư ký Hội đồng Võ sư (HĐVS) Vovinam-VVĐ Thế giới, một chức vụ theo Nội qui sinh hoạt, là một chức vụ lãnh đạo cao nhất của Môn phái trên lĩnh vực quốc tế(6). Qua trách vụ này tôi đã đề cử Võ sư Niên trưởng Nguyễn Dần(7) vào chức vụ Chủ tịch HĐVS Vovinam-VVĐ Thế giới(8) từ năm 2004 cho đến ngày thầy qua đời năm 2016. Hoặc Võ sư Niên trưởng Ngô Hữu Liễn vào chức vụ Chủ tịch Thượng HĐVS/Thế giới(9) từ năm 2012.


Tổng thư ký HĐVS/TG, theo Nội qui sinh hoạt là người đứng đầu trong 7 thành viên lãnh đạo của hội đồng, do Đại hội Võ sư Thế giới bầu lên. Có nhiệm vụ điều hành và lãnh đạo tất cả các hoạt động chuyên môn của Môn phái như : Đai đẳng, bằng cấp, thi cử, luận án, Võ đạo, phát triển, tấn phong.. Xem chi tiết Nội qui sinh hoạt : https://vovinamworldfederation.eu/vi/hoi-dong-vo-su-the-gioi/van-ban-chinh-thuc-hdvstg/noi-qui-sinh-hoat-vovinam-vvd.html


Võ sư Niên trưởng Nguyễn Dần vốn là em ruột của Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, nhập môn năm 1936 trong thời gian Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đang nghiên cứu. Xem tiểu sử : https://vovinamworldfederation.eu/vi/vovinam-viet-vo-dao-vi/cac-vo-su-nien-truong.html


Theo Nội qui sinh hoạt của HĐVS/TG, chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG là một chức vụ biểu tượng, tương tự như chức vụ Chưởng môn của Vovinam-Việt Võ Đạo trước đây. Một chức vụ không do bầu cử mà được đề cử bởi các thành viên lãnh đạo của HĐVS/TG. Chức vụ này đã được đảm trách bởi Võ sư Lê Sáng từ 2002 đến 2004. Võ sư Nguyễn Dần từ 2004 đến 2016 và từ 2016 đến ngày nay bởi Võ sư Nguyễn Văn Cường.


Một chức vụ biểu tượng cũng tương tự như chức vụ Chủ tịch HĐVS/TG, nhưng chủ trì Thượng hội đồng Võ sư Thế giới, gồm các Võ sư Bạch đai Thượng đẳng. Xem chi tiết : https://vovinamworldfederation.eu/vi/hoi-dong-vo-su-the-gioi/thuong-hoi-dong-vo-su-hdvstg.html


Nhưng nếu chúng ta so sánh về phương diện thâm niên. Khi các thầy Niên trưởng bước vào Môn phái thì tôi chưa sinh ra đời ! Hoặc khi thầy Ngô Hữu Liễn, Nguyễn Văn Cường cùng với các thầy Niên trưởng đương thời đứng ra pháp lý hoá Môn phái năm 1964 thì tôi mới tập tững bước vào Môn phái và khi tôi trình luận án thi lên Hồng đai II cấp năm 1998 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, thì thầy Dần, Liễn và Cường lại là thành viên của Hội đồng Giám khảo. Sự khác biệt giữa đai đẳng, thâm niên và chức vụ là như thế.


Một thí dụ điển hình khác nói lên sự khác biệt hiển nhiên giữa đai đẳng và chức vụ, là đối với đai đẳng “Bạch đai Thượng đẳng” (Một bài khác tôi sẽ phân tích về đai đẳng đặc biệt này). Cũng chính tôi với chức vụ Tổng thư ký HĐVS Vovinam-VVĐ Thế giới, đã đề cử tấn phong và được Ban lãnh đạo HĐVS/TG thông qua cho các võ sư sau đây lên Bạch đai Thượng đẳng :
2008 : Lê Công Danh (Australia), Trần Tấn Vũ (VN) và Nguyễn Văn Đông (Usa).
2010 : Ngô Kim Tuyền (VN).
2012 : Cố Vs Trần Huy Quyền (Australia) và Trịnh Ngọc Minh (VN).
2016 : Vũ Kim Trọng (VN), Huỳnh Trọng Tâm (Usa), Nguyễn Thế Trường (Pháp), Nguyễn Thế Hùng (Usa), Võ Trung (Usa)…


Ngoài ra còn rất nhiều các Võ sư thâm niên khác, có công lao phát triển Môn phái cũng đã được tôi đề nghị tấn phong Hồng đai cao cấp (I, II, III, IV cấp) lên Ban lãnh đạo HĐVS/TG. Tuy nhiên tất cả những trường hợp tấn phong trên là những trường hợp đặc biệt và rất hiếm, bởi chỉ dành riêng cho những Võ sư kỳ cựu có thâm niên và có công lao lớn. Còn tuyệt đại đa số các trường hợp khác đều phải đệ trình luận án thi lên đai đẳng. Nhưng việc thành lập Hội đồng Giám khảo để chấm thi thì lại do Chủ tịch Ủy ban Khảo thí Quốc tế thành lập, một chức vụ do Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Thế giới bổ nhiệm. Sự khác biệt giữa chức vụ và đai đẳng là ở chỗ đó !


Giỏi võ không đồng nghĩa là giỏi lãnh đạo,
Giỏi lãnh đạo không đương nhiên là giỏi võ,
Vừa giỏi võ và vừa biết lãnh đạo, không phải ai cũng có !


Cái lẽ đương nhiên này là một logic mà mọi người ai cũng nắm bắt, thế nhưng và tiếc thay trong những năm vừa qua, có những người đã đặt bút phê bình các Võ sư Niên trưởng với những luận điệu như : Không giỏi võ, không có trình độ võ thuật hoặc đã quên hết, không phải là võ sư thực thụ, võ sư đồng hoá… và cứ nhất định phải là võ sư “chính qui”, thật giỏi võ, đã từng đứng lớp… thì mới là người có tư cách lãnh đạo !
Theo sự đánh giá chủ quan của tôi, không phải họ là những người thiếu hiểu biết hoặc vẫn còn bơi lội trong thời điểm Lò võ hoặc Trường phái mà chẳng qua họ có chủ ý muốn khiêu khích lòng tự ái của các Môn sinh trẻ với mục đích chia rẽ nội bộ và tìm cách đánh phá mà thôi.


Những người có chủ ý trên, thường là những người đứng ngoài Tổng Liên đoàn Vovinam-VVĐ Thế giới ! Ôi thôi ! Họ rỉ rả ngày tháng, tốn không biết bao nhiêu bút mực nhằm bôi nhọ các vị lãnh đạo trên thế giới với những luận điệu như đã trình bầy ở trên. Đặc biệt tại Việt Nam, những người này chẳng qua là những bồi bút cho những kẻ hèn nhát đứng sau lưng giật giây. Những kẻ thiếu tinh thần thượng võ, không dám đối mặt phê bình mà chỉ ẩn mình “ném đá dấu tay”, tung tiền cho những bồi bút để viết những bài hạ bệ uy tín người khác một cách rẻ tiền như những kẻ lắm điều trong xã hội.


Không những thế, còn có những người chưa bao giờ mở một võ đường, chưa bao giờ có một đóng góp gì cho Môn phái, vậy mà dám vỗ ngực huyênh hoang đòi dạy Võ đạo cho thiên hạ, hằng ngày dùng mạng xã hội để phỉ báng các thầy Niên trưởng, mặc dù các thầy là những người đã có quá trình đóng góp to lớn cho Môn phái, là những Võ sư lãnh đạo đã đưa Môn phái của chúng ta thành Đại phái năm 1964. Thế mới biết trong khung trời võ thuật cũng có những kẻ chuyên buôn dưa lê không kém gì xã hội chợ búa.


Thế nhưng và còn tiếc hơn nữa ! Trong nội bộ tổ chức quốc tế cũng có những người ngớ ngẩn cho rằng hữu lý ? Họ tiếp tay phổ biến những bài đánh phá tầm thường này. Và tệ hại hơn nữa còn có vài Võ sư cao đẳng vốn có một quá trình võ thuật ngưỡng mộ, có thâm niên kỳ cựu, vậy mà bị mắc bẫy lý luận, bị chúng thổi phồng như bong bóng bay lên 9 tầng mây, khăng khăng vỗ ngực tin rằng ta đây mới là người xứng đáng. Bởi ta có một quá trình võ thuật lừng lẫy ! Nếu mọi người “biết điều” thì phải tôn sùng họ vào những chức vụ cao nhất hoặc hay hơn nữa là phải biết cúi đầu tuân theo những ý chí tư duy cá nhân của họ. Nếu không thì giận dỗi ra đi hoặc hậm hực chỉ trích như con nít đòi kẹo. Thế nhưng khi người ta hỏi tại sao không ra tranh cử hoặc ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo để thực hiện những điều mình muốn, thì… nín thinh, chả bao giờ dám dơ tay.


Ngu hoặc dốt không phải là cái tội và không đáng chê. Nhưng tiếp tay phổ biến hoặc tin vào những luận điệu ngớ ngẩn là những người bị lừa đảo đáng thương.




Australia, Melbourne ngày 05/10/2017.
Vs Trần Nguyên Đạo.

Leave a Reply